Câu chuyện cải tiến #04: “Càng là những công việc lặp đi, lặp lại thường xuyên, những công việc làm liên tục, mình càng cải tiến nhiều.”

Kết lại tháng Cải tiến là câu chuyện đầy cảm hứng của bạn Nguyễn Minh Đức – Leader team sản xuất tại SEODO Agency. Minh Đức luôn được nhắc đến với tinh thần Cải tiến vô cùng mạnh mẽ, dám thử những phương pháp, cách làm mới. Tuần này, xin mời anh chị Doers cùng lắng nghe câu chuyện của bạn ấy nhé!

 

Chị Phóng viên: Thông thường, Minh Đức cải tiến công việc của mình như thế nào?

Minh Đức: 

Với mình, mình thường cải tiến những công việc mà lặp đi lặp lại thường xuyên, những công việc mình làm liên tục. 

Tức là, với những công việc mình chỉ làm 1 lần thì mình sẽ khó để đánh giá cải tiến được. Nhưng những công việc mình làm lần thứ 2, thứ 3, mình sẽ tìm cách để cải tiến, để làm nó nhanh, tốt hơn lần trước. Chẳng hạn như những file kế hoạch, file tracking, các quy trình, phương pháp của team, … mình sẽ tìm cách để nó thuận tiện hơn, tinh gọn và hiệu suất hơn.

Ví dụ như với quy trình triển khai SEO. Trước đây, mình thường dùng phương pháp cũ đã được dùng từ 2 năm trước. Tuy nhiên, mình đánh giá rằng phương pháp triển khai SEO này khiến công việc làm lâu hơn trong khi thuật toán Google thay đổi mỗi ngày, nên mình cùng team đã quyết định thay đổi chiến lược SEO, rút ngắn thời gian triển khai dự án từ 12 tháng xuống tầm 5, 6 tháng. Hiện tại team đang áp dụng phương pháp này, và đánh giá rằng phương án khá khả quan, mang đến hiệu quả tốt với thời gian ngắn chỉ bằng ½ lúc trước.

Minh Đức (ngồi thứ 2 từ phải qua) tham gia chương trình đào tạo

Chị Phóng viên: Vậy theo Đức, khi nào thì mình cần cải tiến?

Minh Đức:

Với mình, khi mình thấy có vấn đề không ổn, thì mình sẽ thực hiện cải tiến ngay.

Trong quá trình làm việc, thường mình sẽ yêu cầu các bạn trong team note lại những vấn đề mà các bạn gặp phải. Sau đó, team sẽ có một buổi cùng nhau ngồi lại. Mình thường là người sẽ khai thác sâu vào vấn đề, cùng các bạn đào vào lõi nguyên nhân dẫn đến vấn đề đó. Sau đó, team sẽ đề xuất cách giải quyết, đánh giá xem với cách đó, vấn đề có được giải quyết không? Và áp dụng thử vào công việc. Khi mà áp dụng thử, mình sẽ theo dõi xem phương pháp đó có thật sự đã ổn chưa, có cách nào làm nó tối ưu hơn không. Từ đây sẽ là tiền đề để mình cùng team đưa ra các cải tiến tốt hơn, tránh để xảy ra hoặc quay trở về câu chuyện cũ.

Chẳng hạn như đợt trước, team mình gặp một vấn đề ở việc lên outline bài viết. Tức, khi lên outline cho một bài viết, mỗi người sẽ có một cách hướng dẫn khác nhau. Mình hướng dẫn cho một bạn, bạn đó hướng dẫn cho một bạn cộng tác viên, từ việc đó, mình nhận thấy có sự khác biệt rõ ràng, xuất hiện 2 vấn đề đó là có sự sai lệch thông tin và mất nhiều thời gian. Mình đã cùng họp team, cho ra một quy trình lên outline bài viết. Quy trình trải qua những bước nào, cụ thể hóa thành hành động, sườn bài gồm những phần nào là bắt buộc, phần đó có công cụ gì để hỗ trợ, … Sau khi có quy trình, mình bắt đầu cải tiến. Phần nào các bạn mất nhiều thời gian nhất, vì sao lại cần thời gian đó, thì mình sẽ cải tiến. Ví dụ các bạn mất nhiều thời gian ở việc lên bộ từ khóa, thì mình gợi ý cho các bạn công cụ để tìm từ khóa nhanh hơn. Kết quả sau khi có quy trình, team mình đã đảm bảo được đầu ra đúng yêu cầu, tốn ít thời gian hơn, và đặc biệt khi team mình có nhân sự mới, các bạn đã có quy trình để áp dụng luôn mà không cần mình mất nhiều thời gian để training.

 

Minh Đức (thứ 2 hàng dưới từ phải qua) tham gia hoạt động của SEODO

Chị Phóng viên: Trong 4 nguyên tắc hành động của hệ giá trị Cải tiến liên tục, Đức thấy mình phát huy mạnh nhất nguyên tắc hành động nào?

Minh Đức:

Mình thấy bản thân mạnh nhất ở nguyên tắc: “Đào sâu nguyên nhân lõi”.

Một vấn đề sẽ có nhiều nguyên nhân, nếu mình không giải quyết nguyên nhân lõi mà cứ giải quyết những nguyên nhân phụ thì vấn đề của mình chắc chắn sẽ không thể nào được giải quyết triệt để. Trường hợp này mình cũng đã từng gặp phải, nên để tránh tình trạng này, mình sẽ luôn đặt câu hỏi Tại sao khi gặp vấn đề. Thay vì vội vàng xác định nguyên nhân, mình sẽ xem thử đó có đúng là nguyên nhân không, nếu giải quyết nó thì vấn đề của mình có biến mất không? Mà để trả lời tốt nhất chỉ có một cách là thử, nên mình đã thử, thử mọi cách có thể để biết đâu là cách đúng nhất. 

Bên cạnh đó, mình có quan điểm rằng ở mỗi vị trí khác nhau, góc nhìn chắc chắn sẽ khác nhau. Các bạn trong team mình là người trực tiếp thực thi, thực hiện dự án, mà mình ở vị trí Leader quan sát thì mình không thể biết hết, hiểu hết các vấn đề các bạn đang gặp phải. Thế nên như mình có chia sẻ ở trên, mình thường yêu cầu các bạn luôn note lại các vấn đề gặp phải, rồi mình sẽ cùng các bạn đào sâu nguyên nhân lõi để giải quyết vấn đề. Đây cũng là cách để hình thành thói quen đào sâu nguyên nhân lõi và cải tiến liên tục cho các bạn trong team.

 

Chị Phóng viên: Đức có thể chia sẻ một câu chuyện Đào sâu nguyên nhân lõi mà mình nhớ nhất không?

Minh Đức:

Mình cũng có khá nhiều câu chuyện về Đào sâu nguyên nhân, nhưng mình sẽ chia sẻ về câu chuyện của một dự án SEO vào quý trước.

Quý đó team mình nhận một dự án SEO. Thực chất là dự án đã triển khai được 4, 5 tháng rồi nhưng không biết vì lý do gì mà từ khóa của khách không thể lên top, bị N/A. Trường hợp này, team mình cứ làm việc theo quán tính, triển khai theo quy trình trước giờ mà thôi. Lúc mình ngồi lại cùng team, mình tự hỏi tại sao các bước cần thiết mình đã đều làm hết rồi mà vẫn không đạt được mục tiêu, yêu cầu. Team mình bắt đầu đào sâu vào nguyên nhân, có phải do không cập nhật các thuật toán mới từ Google, hay do nghiên cứu sai bộ từ khóa, hay các bài viết kém chất lượng, … 

Rồi mình đã thử, mình nghiên cứu lại bộ từ khóa nhưng rồi mình thấy đó là bộ từ khóa phù hợp, mình overview lại các bài viết cũng thấy rằng các bài viết này đều chất lượng. Sau đó, mình dành thời gian nghiên cứu và phát hiện ra có một đoạn code của web mà Google không đọc được. Tức muốn một web tăng thứ hạng, đầu tiên Google phải đọc được web đó. Phát hiện ra vấn đề, mình làm việc lại với team Code, fix lỗi. Và kết quả cuối cùng, web đã được fix, bộ từ khóa đã lên top từ 90 – 95%. 

Các bạn thấy đó, thực chất khi gặp vấn đề, sẽ có nhiều giả thuyết đánh lừa bạn. Nếu mình đánh giá sai, tìm nguyên nhân không đúng, như ví dụ của mình, thì dù mình có đổi bộ từ khóa hay update thuật toán mới, thì chắc chắn web của khách hàng cũng không thể tăng thứ hạng được. Vậy nên khi gặp vấn đề, hãy bắt đầu từ việc xác thực giả thuyết trước, sau đó đào sâu vào nguyên nhân lõi, rồi hẳn tìm giải pháp triệt tiêu nó.

Minh Đức (bạn nam ngồi số 2 từ phải qua) cùng SEODO tham gia chương trình của Docorp

Chị Phóng viên: Nhắc đến quán tính, Đức nghĩ tại sao mình phải loại bỏ sự quán tính?

Minh Đức:

Mặc dù mình biết cách mình làm một số công việc đang mang đến hiệu quả không cao nhưng mình vẫn làm như quán tính, đặc biệt là các công việc làm lặp đi lặp lại thường xuyên. Việc mình vẫn làm cách cũ bởi vì nhiều lý do, nhưng mình nghĩ lý do lớn nhất là do mình không có tư duy cải tiến, không quyết tâm bám đuổi mục tiêu của mình. Và bởi vì làm quen, làm theo cách cũ, nên mục tiêu quý này mình không đạt được. Vậy thì quý sau, mình phải có giải pháp để làm sao đạt được mục tiêu mình đề ra. Mà như anh Đoàn Thanh từng chia sẻ: Muốn thay đổi kết quả, phải thay đổi cách làm. Muốn có kết quả khác thì mình phải có cách tiếp cận, phương pháp làm mới. Mà để đạt được điều này, đầu tiên mình chắc chắn phải loại bỏ sự quán tính, loại bỏ cách làm cũ khỏi tư duy của mình. 

Và loại bỏ sự quán tính chính là để mình đạt được mục tiêu của bản thân. Như câu chuyện của mình vậy, nhờ loại bỏ quán tính làm theo cách thường làm mà mình mới tìm được nguyên nhân, mình mới ngồi xuống để đánh giá lại tình hình và tìm giải pháp. Vậy nên, muốn đạt được một kết quả mới, một kết quả tốt hơn, không thể thiếu đi việc Loại bỏ quán tính làm việc cũ, quán tính làm việc không mang đến hiệu quả.

 

Chị Phóng viên: Cuối cùng, Đức hãy gửi một lời nhắn nhủ cho các bạn Doers trong tháng Cải tiến nhé!

Minh Đức:

Các bạn hãy luôn đặt câu hỏi cho bản thân mình: “Có cách nào để mình làm công việc đó tốt hơn không?” Khi mình luôn đặt câu hỏi như vậy, dần dần mình sẽ hình thành được một tư duy Cải tiến, gặp việc gì là mình sẽ cải tiến việc đó. Đó cũng là cách để mình nâng cao năng lực, làm việc tốt hơn mỗi ngày.

 

Luôn trong tâm thế sẵn sàng Cải tiến, Đào sâu nguyên nhân lõi trước khi đưa ra giải pháp cho vấn đề chính là cách mà Minh Đức đang làm để tiến về gần đích của mình. Chúc cho toàn thể Doers vững vàng hoàn thành các mục tiêu, nỗ lực hết khả năng của bản thân trên hành trình phát triển của chính mình.

(Biên tập: Chị phóng viên nhà Doers)

Chia sẻ tại:

Share on facebook
Facebook
Share on linkedin
LinkedIn

Tin mới