Câu chuyện cải tiến #02: “Bí quyết của mình là cải tiến để tạo ra những chiến thắng nhỏ. Từ chiến thắng nhỏ sẽ giúp đạt được mục tiêu lớn.”

Khi được hỏi về đại diện cho tinh thần Cải tiến liên tục tại Fastdo, anh Trần Xuân Tấn – CEO Fastdo đã nhắc ngay đến bạn Nguyễn Như Quân – Chuyên viên Digital Marketing: “Nói Quân là đại diện cho tinh thần Cải tiến của Fastdo cũng không ngoa, bởi bạn luôn nỗ lực trong công việc, không ngừng học hỏi mỗi ngày, luôn mài mò tìm cách làm mới để mang đến kết quả tốt nhất”. Chính lời chia sẻ đầy tự hào về người đồng đội của anh Xuân Tấn đã thôi thúc đội ngũ phóng viên nhà Doers tìm gặp và phỏng vấn bạn Như Quân để hiểu sâu hơn về câu chuyện của bạn ấy.

Ngay bây giờ đây, xin mời anh chị Doers cùng tìm hiểu về câu chuyện Cải tiến liên tục đầy ấn tượng của Như Quân nhé!

 

Chị Phóng viên: Là đại diện tinh thần Cải tiến liên tục tại Fastdo, đâu là lý do hay động lực khiến Quân luôn cải tiến?

Như Quân:

Mình cải tiến liên tục bởi 3 lý do chính.

Đầu tiên, mình cải tiến bởi vì mình muốn nâng cao năng lực bản thân từ đó tăng hiệu suất công việc. Như mọi người thường chia sẻ: “Muốn thay đổi kết quả, phải thay đổi cách làm, một cách làm cũ, không thể tạo ra một kết quả mới”, muốn phát triển bản thân thì phải nâng cao năng lực, mà chỉ có đổi mới cách làm, cải tiến liên tục mới có thể đạt được điều đó. 

Thứ hai, nếu mình không cải tiến, mình chắc chắn sẽ lạc hậu, sẽ lùi lại phía sau. Mình vẫn còn nhớ video câu chuyện về con ếch trong nồi nước sôi được xem trong chương trình Tuần lễ văn hóa do anh Đoàn Thanh chia sẻ. Nước nóng dần lên mà con ếch vẫn không chịu thay đổi, vẫn không chịu tìm cách thoát ra mà chỉ đứng yên, dẫn đến cuối cùng, nước sôi, con ếch chết. Cũng giống như vậy, khi mình không chịu cải tiến, tức là mình không bước ra khỏi vùng an toàn của mình, giống như chú ếch, mình sẽ đi dần dần bị đào thải, sẽ “chết” dần đi.

Thứ 3, đối với bản thân mình, để đạt mục tiêu lớn, mình phải đạt được những thành công nhỏ trước. Nhờ áp dụng Cải tiến liên tục, mình đã có những mini-win, từ những mini-win đấy tạo cho mình sự tự tin, là động lực để mình đạt được thành công lớn. Nên đối với mình, cải tiến liên tục chính là bàn đạp để đạt được những mục tiêu lớn mà mình mong đợi.


Chị Phóng viên: Quân ứng dụng cải tiến liên tục vào công việc của mình như thế nào?

Như Quân:

Mình tạo cho mình thói quen đó là cải tiến mỗi ngày.

Hàng ngày, khi mình kết thúc ca làm, mình phải checkout Todolist. Mình sẽ cải tiến dựa trên đánh giá công việc hàng ngày: công việc nào chưa hoàn thành, công việc nào chưa tốt, vì sao công việc này kéo dài như vậy,… 

Và mình luôn đặt ra một câu hỏi: Liệu mình có thể làm gì để có kết quả tốt hơn? Chẳng hạn như hiện tại mình có một task chạy quảng cáo trên Google, mình sẽ theo dõi để tối ưu mỗi ngày, mình đặt các câu hỏi như ngày hôm nay sao lại reach không được nhiều người, hay sao lượt click vào sản phẩm sao lại thấp như thế, thì mình sẽ nghiên cứu để làm sao mà dần dần có kết quả tốt hơn.

Bên cạnh đó, mình cải tiến từ những việc nhỏ chẳng hạn như những file kế hoạch, file theo dõi báo cáo. Ví dụ như gần đây mình đã cải tiến file báo cáo dữ liệu của Fastdo. Lúc trước, file phải nhập thủ công cùng một số liệu cho nhiều sheet, vừa tốn thời gian, mà đôi lúc còn có sai số do bất cẩn nữa. Nên mình đã đi tìm hiểu làm thế nào mà để chỉ một lần nhập, có thể tự động điền vào nhiều sheet cùng lúc. Hiện tại thì mình đã liên kết được các file, dữ liệu nhập vừa nhanh hơn vừa hạn chế sai sót.

Hay hiện tại, mình không chỉ làm Digital Marketing mà còn phụ trách cả mảng Sales, nên mình phải làm việc với khách hàng nhiều hơn. Mình nghiên cứu, cải tiến để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Lúc trước mình không biết mình nói chuyện với khách hàng như nào, có ổn không, có đúng insight khách hàng chưa. Để biết và cải thiện, mình đã record lại tất cả các cuộc trò chuyện với khách hàng. Mình nghe đi nghe lại, rồi mình phát hiện những điểm mình chưa tốt như đôi khi quán tính mình hay dùng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt, hay phần giới thiệu sản phẩm dài dòng quá. Từ những phát hiện đó, mình cải tiến dần, thay đổi cách nói vừa ngắn gọn vừa mang lại hiệu quả tốt. 

Chị Phóng viên: Trong 4 nguyên tắc hành động của hệ giá trị Cải tiến liên tục, Quân thấy mình phát huy mạnh nhất nguyên tắc hành động nào?

Như Quân: 

Trong 4 nguyên tắc hành động, mình thấy bản thân mạnh nhất, áp dụng nhiều nhất nguyên tắc: “Đào sâu nguyên nhân lõi”. 

Trong quá trình làm việc, mình sẽ gặp rất nhiều vấn đề. Mỗi vấn đề lại có nhiều nguyên nhân. Nếu mình không giải quyết nguyên nhân lõi, thì vấn đề sẽ chẳng thể được giải quyết. Có thể may mắn, đôi lúc sẽ cải thiện được vấn đề, nhưng nó không lâu bền, nếu gặp phải tình huống tương tự, thì vấn đề đó có thể sẽ quay trở lại. Vì thế, phải đào sâu nguyên nhân lõi để tìm được giải pháp bền vững.

Ví dụ như lúc trước mình chạy quảng cáo nhưng không đạt hiệu quả mong muốn. Mình đánh giá ngay content của mình chưa ổn, do câu chữ của mình chưa hay. Nhưng sau đó, dù mình cải thiện câu chữ thì cũng không mang lại hiệu quả tốt hơn. Thế là mình mang content đó cho những người có kinh nghiệm như anh Tấn đánh giá. Và lúc đó mình mới biết do content của mình không đúng insight của đối tượng mục tiêu. Thế là mình tìm cách khắc phục nguyên nhân đó, mình tìm hiểu đối thủ viết như nào, mình học các công thức viết content như AIDA, PAS, và áp dụng cho content của mình. Cuối cùng, khi content của mình đã đúng, ổn thì hiệu quả quảng cáo đã được tăng lên.

 

Chị Phóng viên: Để rèn luyện tư duy “Đào sâu nguyên nhân lõi” thì Quân đã làm cách nào?

Như Quân:

Đầu tiên, khi gặp vấn đề, mình luôn đặt câu hỏi “Tại sao?”. Như Docorp cũng có gợi ý cho mình một công cụ để tìm nguyên nhân lõi đó là 5 Whys. Mình luôn đặt câu hỏi tại sao, khai thác dần vào tầng gốc rễ của vấn đề. Mà để trả lời các câu hỏi tại sao đó đúng nhất thì chỉ có một cách là mình phải có năng lực, phải có kiến thức để giải quyết vấn đề. Vậy nên mấu chốt của việc rèn luyện tư duy đào sâu nguyên nhân lõi, bên cạnh luôn đặt câu hỏi tại sao, thì mình cần có năng lực, có đúc kết kinh nghiệm từ những trải nghiệm của mình. 

Hiện tại mình vẫn đang nâng cao năng lực bằng cách đọc sách, đi học thêm các khóa học, chương trình bên ngoài, rồi mang về áp dụng cho Fastdo. Với những kiến thức, vấn đề mình không biết, mình tham khảo ý kiến từ những chuyên gia trong lĩnh vực, hỏi những người đã có kinh nghiệm, rồi từ đó rút được bài học cho chính mình.

Chị Phóng viên: Quân có thể chia sẻ một câu chuyện đào sâu nguyên nhân lõi nào mà mình nhớ nhất không?

Như Quân:

Mình nhớ nhất câu chuyện mình nhận một task chạy quảng cáo cho Fastdo . 

Thường trên các quảng cáo sẽ hiển thị nút nhắn tin để người dùng có thể click vào. Đợt đó, tin nhắn từ quảng cáo về rất nhiều. Nhưng những tài khoản đó được đánh giá là tài khoản rác, tức acc clone chiếm tỉ lệ lớn. 

Đối mặt với vấn đề như vậy, trước hết, mình đi tìm nguyên nhân: Vì sao quảng cáo của mình reach đến những tài khoản, đối tượng đó. Mình đặt ra các giả thiết ví dụ như: có thể mình cài đối tượng sai, hay do content mình viết sai nên Facebook phân phối đến những đối tượng đó. 

Sau khi tìm ra giả thiết, mình đã đi tìm những chuyên gia, những người mentor có thể trả lời đúng những câu hỏi của mình. Mình đã hỏi chị Nhi – Marketing Manager của Seodo, anh Phước – chuyên gia chạy quảng cáo của một Agency bên ngoài mà mình quen, lên hỏi trên các group – diễn đàn về quảng cáo. Cuối cùng, mình tìm được nguyên nhân là do mình chạy quảng cáo đến sai đối tượng, mình không loại trừ những đối tượng này trong quảng cáo. Sau khi mình tìm được giải pháp là thay đổi đối tượng, thì kết quả là số tài khoản rác giảm từ  90% ban đầu xuống còn khoảng 30%. 

Tuy nhiên đó cũng chưa phải nguyên nhân cốt lõi. Tại sao mình lại chạy quảng cáo sai đối tượng? – Vì mình chưa có kinh nghiệm. Vì sao mình chưa có kinh nghiệm – Vì mình chưa từng làm, mình chỉ học trên sách vở, lý thuyết. Vậy nguyên nhân lõi là vì mình chưa có kinh nghiệm chạy Ads mà chỉ học trên lý thuyết. Mà mình còn mắc phải sai lầm là mình làm việc theo quán tính. Tức mình học như nào thì mình làm theo như thế, không điều chỉnh, vì mình tin sản phẩm nào cũng trải qua quy trình như nhau. Bây giờ thì mình đã hiểu rằng phải tùy vào mục tiêu, nguồn lực của công ty mà mình có điều chỉnh, linh hoạt cho phù hợp. Rồi mình thử, mình theo dõi và tối ưu Ads mỗi ngày, rút kinh nghiệm từ những sai lầm trước, và dần dần ads đã mang lại kết quả tốt hơn.

 

Chị Phóng viên: Nói đến sự quán tính, Quân thấy vì sao mình phải loại bỏ sự quán tính?

Như Quân:

Giống như câu chuyện của mình, nếu mình không loại bỏ quán tính là học gì làm theo như vậy, thì chắc chắn mình sẽ không thể có kết quả chạy quảng cáo tốt như hiện tại được. Chính loại bỏ sự quán tính giúp mình có những tư duy mới, có cách làm hiệu quả hơn. Đó là tiền đề để mình tập trung, và đạt mục tiêu nhanh hơn. Thứ 2 khi mình loại bỏ quán tính, mình cởi mở hơn, lắng nghe nhiều ý kiến hơn, từ đó mình dễ hợp tác với người khác hơn. 

 

 

Chị Phóng viên: Cuối cùng, Quân hãy gửi một lời nhắn nhủ cho các bạn Doers trong tháng Cải tiến nhé!

Như Quân:

“Luôn luôn có cách làm tốt hơn hiện tại” – Đây là lời chia sẻ từ anh Đoàn Thanh, cũng là một trong những câu nói mình thấy tâm huyết nhất. Chắc chắn sẽ luôn có một cách làm mới, một cách làm khác để bạn tạo ra một kết quả tốt hơn. Các bạn Doers hãy phát huy sức mạnh của câu nói này, luôn tư duy mở với bất kỳ vấn đề nào và sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng cải tiến nhé!

 

“Luôn đặt câu hỏi Tại sao”, “Học hỏi không ngừng”, “Loại bỏ quán tính” là các keyword quan trọng trên hành trình Cải tiến liên tục của Quân. Hi vọng, với những chia sẻ của Quân, các bạn Doers sẽ được tiếp thêm động lực trên hành trình phát triển sự nghiệp của mình!

(Biên tập: Chị phóng viên nhà Doers)

Chia sẻ tại:

Share on facebook
Facebook
Share on linkedin
LinkedIn

Tin mới