Đồng hành cùng Vigift từ những ngày đầu tiên, trải qua nhiều khó khăn và thách thức, chị Trần Ngọc Thảo – Phó giám đốc đối nội tại Vigift đã và đang thể hiện rất tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Với tinh thần Trách nhiệm luôn được đặt lên hàng đầu, tuần này, xin mời Doers theo dõi câu chuyện Trách nhiệm đầy cảm hứng của chị Ngọc Thảo nhé!
Chị Phóng viên: Nhắc đến Trách nhiệm, chị Thảo thấy mình có trách nhiệm với ai và trách nhiệm như thế nào ạ?
Chị Ngọc Thảo:
Tất nhiên là mỗi người đều sẽ có nhiều trách nhiệm, riêng bản thân mình, mình thấy mình có trách nhiệm với những người có quan hệ với mình trong cuộc sống, tùy vào mức độ thân thiết hay quan trọng của họ với mình mà mức độ trách nhiệm sẽ khác nhau.
Đối với mình, gia đình là mối quan tâm lớn nhất, là cái nôi nuôi mình khôn lớn và là chỗ dựa tinh thần mỗi lúc bản thân có khó khăn hay áp lực. Hiện tại, bản thân mình có vai trò hòa giải và kết nối với các thành viên khá lớn – đây cũng là trách nhiệm của mình.
Mình tin ai cũng sẽ có trách nhiệm để phát triển bản thân, với Thảo, đó là trở thành chỗ dựa cho gia đình và không trở thành gánh nặng cho xã hội. Và mình đang nỗ lực mỗi ngày để trau dồi thêm kiến thức, năng lực để nâng cao khả năng bản thân.
Và trách nhiệm với công ty là Dotravel cũng không thể thiếu. Mình muốn góp hết sức của bản thân mình để giúp Vigift hoàn thành được mục tiêu của công ty, ngắn hạn là trong quý tới và năm nay, tương lai dài hơn với mục tiêu như chị Hà đã từng chia sẻ: “Tạo ra một thương hiệu đặc sản mà ai nhắc đến Đà Nẵng cũng sẽ nhớ về.”
Chị Ngọc Thảo nhận giải thưởng Trưởng phòng xuất sắc tại 2022 Docorp Awards
Chị Phóng viên: Vậy chị Thảo nghĩ là mình có trách nhiệm như thế nào với sự nghiệp của chị?
Chị Ngọc Thảo:
Thật ra như bao bạn trẻ khác, mình cũng có một khoảng thời gian rất mông lung và không biết mình sẽ phát triển sự nghiệp gì, phát triển như thế nào? Và cho đến hiện tại, bản thân mình cũng đang trên con đường đi tìm sự nghiệp mà phải là chuyên môn của mình, mình phải thật sự làm chủ nó.
Mình luôn nhận thức được bản thân phải có sự nghiệp của riêng mình. Vì dù gì đi chăng nữa, khi mình nhìn về tương lai 5 năm hay 10 năm, có sự nghiệp vững chắc, mình mới có thể xây nên những mục tiêu khác, mình mới có thể thực hiện được những nghĩa vụ, trách nhiệm khác. Và mình đang cố gắng học hỏi mỗi ngày, thử sức ở nhiều mảng, cứ thử để tìm thấy đâu mới là sự nghiệp thật sự phù hợp với mình.
Chị Phóng viên: Vậy còn trách nhiệm với cấp trên là chị Hà, và với cấp dưới thì sao chị?
Chị Ngọc Thảo:
Với cấp trên của mình là chị Thanh Hà, chị vừa là cấp trên, vừa là người dẫn dắt mình những ngày đầu tiên cho đến giờ. Mình rất biết ơn khi chị Hà trao cho mình rất nhiều cơ hội để thay đổi, và để phát triển tại Dotravel. Trong quá trình mình phát triển, chắc chắn sẽ có những lúc mình làm sai, mình mệt mỏi, có lúc mình muốn từ bỏ, chị Hà luôn xuất hiện và tạo động lực cho mình, giúp mình vượt qua những khó khăn ấy. Từ những sự hỗ trợ của chị Hà, mình tự thấy mình phải nỗ lực để đóng góp cho công ty để phần nào đó đỡ đần cho người cấp trên đã và đang luôn giúp đỡ mình.
Hiện tại, với vai trò là quản lý team bán hàng và phòng sản xuất, mình cần đảm bảo hoàn thành đúng, đủ công việc cũng như tăng hiệu suất cá nhân của các bạn trong team. Với công việc hiện tại của các bạn, cơ bản sẽ không có thay đổi về các đầu việc, nhưng những tình huống phát sinh sẽ rất nhiều và mình cần phải đảm bảo về deadline, về đầu ra của các bạn hàng ngày. Thường mình sẽ cố gắng tạo động lực cho các bạn, đưa ra những quy định về thưởng, phạt để các bạn có thể tuân thủ theo. Đó cũng vừa là áp lực vừa là động lực để các bạn cùng cố gắng ^^.
Mình xem đây là phần trách nhiệm mà mình luôn phải suy nghĩ, nếu như team mình không thể hoàn thành được công việc, thì mình cũng sẽ không là cái gì cả trong công ty này, và công ty mình cũng không thể đạt được mục tiêu khi team mình có vấn đề. Hiện tại, mình vẫn đang thực hiện các công việc hàng ngày giống các bạn, các bạn bán hàng thì mình bán hàng, các bạn nhập đơn thì mình cũng nhập đơn. Khi các bạn nhìn vào người cấp trên là mình cũng hoàn thành từng đó công việc, với thời gian như thế này, đúng hạn như thế này, thì tự mọi người sẽ có động lực hơn, là hình ảnh phản chiếu để mọi người noi theo.
Chị Thảo luôn là người đi cùng chị Thanh Hà vượt qua các khó khăn của Vigift
Chị Phóng viên: Với trách nhiệm như vậy, chị Thảo có bao giờ thấy áp lực không?
Chị Ngọc Thảo:
Mình nghĩ ai đi làm cũng sẽ có áp lực. Mà mình tin những ai mà là trưởng nhóm, trưởng phòng, làm quản lý thì áp lực sẽ ngày càng tăng theo cấp bậc.
Đối với mình, mình cảm thấy áp lực nhất là giai đoạn mình được bổ nhiệm vị trí Phó Giám đốc đối nội vào đầu năm nay. Lúc đó mình nhận trách nhiệm với nhiều nhiệm vụ hơn, từ vận hành, kiểm soát đến phát triển sản phẩm, marketing. Mà những công việc như vận hành hay phát triển sản phẩm mình đã từng làm rồi, nó không đòi hỏi quá nhiều kiến thức mới khác. Nhưng có riêng mảng về Marketing, một mảng mà mình chưa bao giờ làm, chưa bao giờ đụng tới, điều này đã tạo ra một áp lực khá lớn cho mình.
Mình vẫn nhớ lần đầu tiên mình họp team Marketing. Cảm giác mình “nhỏ bé đến vậy” mặc dù là mình quản lý team đấy. Nhìn ánh mắt của các bạn trong team, tự mình nghĩ ra được mọi người đánh giá mình như thế nào, có đủ năng lực để dẫn dắt mọi người không? rồi mình có xử lý được các vấn đề phát sinh trong team Marketing đấy không? Rồi làm sao để các bạn làm theo những kế hoạch, những hướng dẫn của mình? Mình áp lực đến nỗi mình nhớ mãi: chỉ 2 ngày sau khi bổ nhiệm, chị Hà phải gọi mình vào phòng để nói chuyện và gần như là “chỉ bảo” mình. Bởi vì lúc đó là giai đoạn sau Tết, chắc chắn lượng khách sẽ sụt giảm, nguồn khách sắp tới sẽ chủ yếu đến từ các công việc Marketing của mình, mà mình đâu có kinh nghiệm hay kỹ năng nhiều để mà hỗ trợ Vigift ở giai đoạn này. Nói thật là rất áp lực, nếu lúc đó có ai hỏi mình muốn nghỉ việc không thì chắc chắn là mình sẽ trả lời là nghỉ.
Chị Phóng viên: Vậy chị Thảo vượt qua giai đoạn đó như thế nào?
Chị Ngọc Thảo:
Áp lực là vậy, nhưng mình thấy bản thân đúng là “Vua lỳ đòn” thật sự.
Lúc đó mình bắt đầu suy nghĩ, hệ thống lại những gì mình cần làm để phát triển team Marketing của mình. Mình không biết thì mình tìm sự giúp đỡ từ cấp trên, nên mình đã có những buổi họp với chị Hà để định hướng mình nên làm gì trước? Mình bắt đầu định hình được công việc nào ngắn hạn trong thời gian tới để có khách hàng, rồi mới các công việc Marketing dài hạn hơn.
Sau khi gặp chị Hà, mình đã đi gặp từng nhân sự trong team mình. Bởi vì mình đang không biết gì về Marketing, mà các nhân sự bộ phận Marketing đã có rồi, các bạn có kinh nghiệm đảm nhận một mảng cụ thể như facebook, tiktok, sàn thương mại, … vậy thì vì sao mình không đi hỏi các bạn hàng ngày các bạn đang làm gì? Và lúc đó, mình mới biết được là mình đang còn thiếu hụt những kiến thức này. Thiếu hụt chỗ nào thì mình bổ sung kiến thức chỗ đó. Mình mua sách để học thêm về cách vận hành các sàn thương mại, tiktok, … , xếp các lịch học để chạy quảng cáo với chị Hà, … Và gần 10 ngày sau, mình mới bắt nhịp được với công việc mình đang làm.
Hiện tại, sau nhiều sự thay đổi về nhân sự, mình không còn đảm nhiệm mảng Marketing nữa, nhưng mình đã hiểu, và thấm được câu: “Trách nhiệm là gánh nặng khi năng lực thấp hơn nghĩa vụ”. Lúc đó mình có nghĩa vụ phải làm sao đó để Vigift có khách hàng từ các hoạt động Marketing, nhưng mình không có kiến thức hay kinh nghiệm gì để thực hiện được công việc đó. Gánh nặng của mình bị đẩy lên cao, quá ngưỡng đến nỗi mà mình muốn nghỉ việc mà. Giờ đây, mình đã ổn định hơn, có kiến thức để hiểu và biết cách để giúp Vigift thu hút khách hàng rồi, nhưng khi nghĩ lại về sự kiện trên thì mình lại tự áp lực tiếp, thế là mình lại tiếp tục học. Và có một điều mình chiêm nghiệm được: Đến một thời điểm mà cái mình có đã không còn đủ để đáp ứng vị trí hiện tại, thì chỉ có 1 con đường là học, nâng cao kỹ năng để đáp ứng, hoặc chắc chắn mình sẽ bị đào thải. Vậy nên các bạn Doers hãy luôn đề cao tinh thần học tập, nâng cao kiến thức mỗi ngày nhé.
Chị Ngọc Thảo tham gia các chương trình đào tạo
Chị Phóng viên: Trong 4 nguyên tắc của hệ giá trị Trách nhiệm, chị Thảo có thể chia sẻ một nguyên tắc mà đã và đang áp dụng không?
Chị Ngọc Thảo:
Nguyên tắc mà mình đã và đang áp dụng là nguyên tắc Tôn trọng luật chơi.
Tôn trọng luật chơi theo mình thì cũng có nhiều nghĩa, đó là tôn trọng những luật lệ, những quy định hay những cam kết mà chúng ta cùng đặt ra, có thể chỉ đơn giản là cam kết hoàn thành deadline thôi cũng gọi là tôn trọng luật chơi. Mình nghĩ, khi mình tôn trọng những luật chơi đó với người khác, thì người khác cũng sẽ dành lại sự tôn trọng đó với mình. Bản thân con người mình khá tôn trọng luật, bất kể là ở ngoài đường là luật pháp hay cam kết trong công việc với nhau. Hay mình nghĩ xa hơn, khi mình lên làm quản lý, mình đã từng không tôn trọng cam kết ở quá khứ rồi, thì ít nhiều gì nhân sự của mình cũng sẽ nhớ về, các bạn sẽ không còn tin tưởng đối với mình nữa, thì gần như con đường xây dựng sự nghiệp hay vị thế của bản thân, nó sẽ bị mất đi một phần sức nặng.
Chị Phóng viên: Khi nhắc đến luật chơi, thông thường mọi người cảm giác bị gò bó, với chị Thảo, chị có nghĩ khi mình đặt ra luật thì nó có gây áp lực cho nhân sự của mình không?
Chị Ngọc Thảo:
Luật nếu mình diễn giải ra thành nhiều nghĩa luật là luật lệ, luật là nguyên tắc, hay luật là cam kết? Nếu mình nghe luật lệ hay quy định, thì nhiều lúc mình cũng sẽ thấy gò bó. Đã là luật lệ thì sẽ có thưởng có phạt, có chế tài, tất nhiên sẽ là áp lực. Nhưng nếu mình nghĩ nó là những cam kết giữa 2 bên, bạn làm phần việc này, tôi làm phần việc này, chúng ta cùng hoàn thành task này theo cam kết, chúng ta nhận được sự công nhận từ chính công ty này, thì đó không phải sự gò bó.
Bên cạnh đó, mình luôn nghĩ, các áp lực hay chế tài thưởng phạt phải luôn luôn tồn tại trong team hay tổ chức của mình. Mọi người luôn dễ dàng bỏ qua những sai lầm của mình, điều này sẽ làm mọi người không phát triển lên được. Ở team của mình, mình có những quy định thưởng phạt rất rõ ràng. Mình muốn nhân sự của mình phải hiểu rằng bạn sẽ bị phạt nếu không hoàn thành, không tôn trọng quy định này. Nếu mình muốn phát triển hơn, mình phải thật sự có kỷ luật với chính mình.
Chị Phóng viên: Chị Thảo có một lời nhắn nhủ cho các bạn Doers trong tháng Trách nhiệm?
Chị Ngọc Thảo:
Từ chính kinh nghiệm của bản thân, mình muốn nhắn với các bạn rằng: Khi mình làm tốt phần việc của mình, thì đó cũng đã là có trách nhiệm rồi. Chưa cần biết mọi người có đóng góp được cho ai, đóng góp được gì, xây dựng được gì không, chỉ cần trước hết mình làm tốt phần việc của mình, mình đã không ảnh hưởng đến quyền lợi, công việc của người khác. Và mọi người hãy cứ có trách nhiệm, cứ nhận trách nhiệm đi. Nghĩ đơn giản nếu mình không có trách nhiệm, mọi người sẽ không tôn trọng mình mà mình cũng không được quyền lợi gì. Còn nếu mình nhận trách nhiệm, mình hoàn thành được một cái gì đó, đạt được cảm giác thành tựu, tự hào, thì đó sẽ là phần khích lệ tinh thần, là động lực để mình tiến lên.
“Tôn trọng luật chơi, cam kết đã đặt ra”, “Nhận trách nhiệm với những gì mình làm”, “Lỳ đòn với những thách thức” là những keywords mà chị Thảo rút ra được trên hành trình của mình. Chúc cho mỗi Doers bền bỉ trên hành trình sự nghiệp và phát huy sức mạnh của hệ giá trị Trách nhiệm nhé!
(Biên tập: Chị phóng viên nhà Doers)