Câu chuyện trách nhiệm #01: “Áp lực sẽ đến khi năng lực thấp hơn nghĩa vụ, để hết áp lực chỉ có thể tăng năng lực bản thân.”

Khi được hỏi về nhân sự nào là đại điện cho tinh thần Trách nhiệm tại Fastdo, thì ngay lập tức, không mảy may suy nghĩ, anh Xuân Tấn – CEO Fastdo đã kể về anh Nguyễn Hữu Học – Trưởng phòng Dev của Fastdo: “Nhắc đến Trách nhiệm, mình không thể không nhắc đến anh Học. Anh Học là một người mà bất kỳ việc gì được giao đến, dù có khó khăn hay thách thức như nào, anh đều hoàn thành nó không chỉ tốt mà còn vượt cả mong đợi. Và cũng có thể nói, kể từ ngày bắt đầu hành trình tại Docorp đến trở thành CEO Fastdo như hiện tại, mình luôn có sự đồng hành, hỗ trợ đắc lực từ anh Học.” Chính chia sẻ này đã thôi thúc đội phóng viên nhà Doers tìm gặp và phỏng vấn anh Học để hiểu sâu hơn về câu chuyện của anh.

Và ngay bây giờ đây, xin mời Doers cùng lắng nghe chia sẻ của anh Học nhé!

 

Chị Phóng viên: Nhắc đến trách nhiệm, anh Học thấy rằng anh đang có trách nhiệm với ai và trách nhiệm như thế nào ạ?

Anh Hữu Học:

Mình thấy mình có trách nhiệm với nhiều người.

Khi nhắc đến hai chữ Trách nhiệm, thì mình luôn tin rằng mọi người sẽ nghĩ đến trách nhiệm với chính bản thân mình đầu tiên. Mình có trách nhiệm với cuộc sống của mình, với công việc của mình, và với sự nghiệp của bản thân. Mà cụ thể, mình muốn phát triển sự nghiệp của mình thật vững vàng, đạt được những mục tiêu mà mình đặt ra.

Trách nhiệm với gia đình chắc chắn là không thể bàn cãi. Ai cũng sẽ có và tất nhiên với mình nó cũng chiếm vị trí quan trọng. Cha mẹ mình cũng đã vất vả để nuôi dưỡng mình, mình phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Và bên cạnh đó, hiện tại mình đã có gia đình riêng, mình cũng đã được làm cha thì mình càng phải có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình. Mình muốn cuộc sống gia đình mình thoải mái hơn, con mình có môi trường tốt hơn để phát triển.

Và cuối cùng là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Thực chất từ trước đến nay, mình luôn có mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức cho những bạn trẻ, những bạn chưa có kinh nghiệm ở mảng Thiết kế. Mình nhận thấy ở các bạn luôn có sự năng động, sáng tạo, nhưng lại thiếu đi người dẫn dắt, điều hướng cho các bạn đúng đường, nên mình nghĩ việc hỗ trợ các bạn, đó cũng là thể hiện một phần trách nhiệm của mình với cộng đồng xung quanh.

Hay hiện nay, chương trình Doers Run For Blood do Docorp tổ chức cũng đã và đang truyền đi thông điệp rất có ý nghĩa cho cộng đồng.

Dù ở vị trí nào, anh Học luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng đội mình

“Cho đi chính là nhận lại …”

Chị Phóng viên: Vậy khi nhắc đến trách nhiệm với công việc của mình, anh Học có nghĩ anh có trách nhiệm với công ty anh, với đội nhóm của anh như thế nào ạ?

Anh Hữu Học:

Chắc chắn là có rồi. Bởi vì mình quan niệm rằng: Dù đi làm ở bất kỳ công ty nào thì mình đều có trách nhiệm cùng phát triển nơi đó.

Đầu tiên, mình luôn thấy bản thân có trách nhiệm với Fastdo. Mình luôn muốn cống hiến, muốn giúp Fastdo phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, vững vàng hơn. Ở vị trí hiện tại, mình cùng đội nhóm đang nỗ lực hàng ngày để xây dựng, cho ra đời những sản phẩm tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Thứ 2, với cương vị là leader của team Dev, mình phải có trách nhiệm với đội nhóm của mình, mà cụ thể là các bạn cấp dưới. Mình luôn muốn đồng hành, hỗ trợ các bạn phát triển hết mức trong khả năng của mình. Bởi mình tin rằng khi chính các bạn phát triển năng lực, thì các bạn sẽ có được nhiều cơ hội hơn, sẽ thành công hơn trong tương lai. Và khi năng lực các bạn tốt, đồng nghĩa với việc hiệu quả công việc tốt hơn, mình sẽ cùng đạt mục tiêu nhanh hơn. Đó cũng là góp phần không chỉ cho công ty mà cả cho chính bản thân leader – người đại diện cho mục tiêu phòng ban cũng đạt được mục tiêu nhanh hơn.

 

Chị Phóng viên: Em được biết anh Học đã chuyển qua vị trí Dev thay vì là Graphic Designer như trước, nhưng hiện tại khi các bạn Designer mới vào công ty nếu có nhu cầu thì anh cũng sẽ hỗ trợ đào tạo mặc dù đây không phải là mô tả công việc của anh, anh có thể chia sẻ thêm cho em lý do vì sao mình làm vậy không?

Anh Hữu Học:

Có 2 nguyên nhân mà mình vẫn chọn hỗ trợ cho các bạn TTS hay nhân viên mới ở mảng thiết kế đồ họa. 

Thứ nhất, từ những ngày đầu vào Docorp, mình đã rất ấn tượng bởi việc Docorp rất đề cao việc học, rất khuyến khích nhân viên học những cái mới, thử những cái mới, thử sai cũng được miễn là bạn làm lại và không bỏ cuộc, và rất khuyến khích việc chia sẻ kiến thức cho nhau. Và chính từ việc mình cũng đã từng nhận được những lời khuyên, những góp ý hữu ích, là một Doers, đang được tạo cơ hội và phát triển dưới mái nhà Docorp, mình tin rằng bản thân mình cũng cần cố gắng để giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng mà không phải đâu cũng có.

Thứ hai, như đã nhắc đến, mình luôn muốn chia sẻ những gì mình biết cho các bạn trẻ, các bạn mới vào nghề chưa có kinh nghiệm. Lúc trước công việc thiết kế ở Docorp chỉ do một mình mình đảm nhiệm. Cho đến khi, các công ty bắt đầu hoạt động độc lập, công việc thiết kế cũng vì thế mà được đưa về cho từng công ty. Thú thật, lúc đầu mình hỗ trợ chia sẻ cho các bạn để khối lượng công việc của mình nhẹ đi (cười). Nhưng dần dần mình thấy thích việc chia sẻ này, bởi mình tin: Khi mình hỗ trợ cho các bạn, các bạn nhận được giá trị, thì chính mình cũng nhận lại được giá trị.

Hiện tại, anh Hữu Học đang là Trưởng phòng Dev – Fastdo

Chị Phóng viên: Với trách nhiệm như vậy, thì đã bao giờ anh thấy áp lực chưa anh? Và mình vượt qua như thế nào?

Anh Hữu Học:

Nói đến áp lực thì mình nghĩ ai cũng sẽ có cả. Áp lực lớn nhất mà mình gặp phải là lúc mình chuyển sang làm về Lập trình (Dev). Thực chất mình là một “tay ngang”, background mình là một Designer, và tất cả kiến thức lập trình mình có đều là mình tự học. Mà tự học thì mình rất khó để chứng minh. Nếu mình xin vào vị trí nhân viên Dev thì nó sẽ không có gì đáng nói, nhưng công ty lại đề xuất mình ở vị trí quản lý một team Dev thì nó rất khác. Các bạn cấp dưới mình sẽ đánh giá mình có đủ khả năng quản lý các bạn không, các bạn sẽ nghĩ mình có đủ kiến thức để hỗ trợ cho các bạn không?, cũng như khi các bạn gặp vấn đề khó, mình có giải quyết được không? Thế là thời gian đầu ở vị trí quản lý team Dev mình khá stress, vì mình không biết mình có đủ khả năng để nhận trách nhiệm mà công ty giao hay không. 

Mình vẫn nhớ anh Đoàn Thanh – Tổng giám đốc Docorp đã từng nói thế này: “Trách nhiệm là gánh nặng khi “Năng lực thấp hơn nghĩa vụ”. Và chính câu nói đó như thôi thúc mình, có phải vì mình chưa đủ năng lực nên mình mới thấy áp lực hay không? Mình bắt đầu nhận thức rõ, mình cần phải thực sự nâng cao năng lực của bản thân mình mới đáp ứng được vị trí mà mình đã nhận trách nhiệm. Thế là thời gian đó, một ngày mình làm công ty 8 tiếng, sau đó mình lại dành 4 – 5 tiếng, có hôm đến 1, 2 giờ sáng chỉ để code đi code lại cho thành thạo. Xuất phát điểm đã thua người khác rồi, vậy bây giờ mình phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần bình thường. Và ít nhất, bây giờ mình thấy nhẹ nhàng hơn, không còn áp lực như giai đoạn đầu nữa, và mình thấy được khi các bạn trong team gặp vấn đề, các bạn hỏi mình, mình nghĩ đó cũng là một cái thành công nhỏ của mình. 

“Khi đã làm tốt việc của mình thì mới đi hỗ trợ công việc của người khác …”

Chị Phóng viên: Trong 4 nguyên tắc của hệ giá trị Trách nhiệm, anh Học tâm đắc và ấn tượng nhất với nguyên tắc nào? 

Anh Hữu Học:

Mình tâm đắc với nguyên tắc “Làm tới nơi tới chốn” nhất. Mình nghĩ rằng đây sẽ là nguyên tắc tiền đề cho các nguyên tắc còn lại. 

Khi mình đã làm tới nơi tới chốn công việc của mình rồi, thì khi đó mình mới có thể đi hỗ trợ cho công việc của người khác được. Mình mới có thể đồng hành cùng team để về đích được. Mình vẫn nhớ trong bộ hành vi của nguyên tắc “Cùng về đích” có một hành vi gây nhầm lẫn đó là “Bao đồng”. Tức là mình chưa làm xong việc mình mà đã làm việc hỗ trợ người khác, thì đó không phải Cùng về đích, mà mình chỉ đang làm bộ máy cồng kềnh thêm. Và một phần nữa, mình thấy nguyên tắc này phù hợp với mình, khi mình nhận việc gì rồi thì mình sẽ làm tới cùng. 

 

Chị Phóng viên: Anh có đề cập đến nguyên tắc “Làm tới nơi tới chốn”, vậy anh Học đã từng làm một công việc nào mà nó dang dở hay chưa? 

Anh Hữu Học:

Dang dở thì mình nghĩ tất nhiên ai cũng chắc chắn đã từng rồi, nhưng mình thấy rằng trong các công việc mình làm mà nó dang dở thì thường đến từ các nguyên nhân khách quan, có thể khách hàng cancel hoặc pending. Còn bản thân mình đã có nguyên tắc rồi, là làm việc nào tới cùng việc đó, dù cho có kéo dài hay có phát sinh thêm thì mình cũng phải hoàn thiện được nó. 

Chia sẻ Hệ giá trị Trách nhiệm

Chị Phóng viên: Cuối cùng, anh Học có lời nhắn nhủ gì đến các bạn Doers để phát huy hệ giá trị Trách nhiệm này không?

Anh Hữu Học:

Anh tin rằng Hệ giá trị Trách nhiệm sẽ thiên về thái độ nhiều hơn. Bản chất, Năng lực đúng là quan trọng, nhưng thái độ mới là cái quyết định đường dài nhiều hơn. Thái độ ở đây có thể bao gồm thái độ cầu tiến, trách nhiệm, chính trực, trung thực, … trong đó thái độ trách nhiệm này sẽ chiếm vị trí rất cao. Đặc biệt, mình thấy rằng những bạn nào có trách nhiệm càng cao, con đường phát triển các bạn lên vị trí quản lý, các vị trí cao hơn sẽ rộng mở hơn và các bạn cũng hoàn thành nhanh hơn các mục tiêu của cá nhân các bạn. Và một lời nhắn cho các bạn Doers là hãy luôn làm việc có trách nhiệm, bởi khi bạn cho đi chắc chắn bạn sẽ nhận lại.

 

Tinh thần “Trách nhiệm với công việc”, “làm tới nơi tới chốn”, “học tập mỗi ngày” chính là những từ khoá mà anh Hữu Học đã nhắc đi nhắc lại trong bài chia sẻ của mình. Với những câu chuyện, những chia sẻ từ anh Hữu Học, mong rằng các bạn Doers sẽ tận dụng hơn nữa sức mạnh của hệ giá trị Trách nhiệm trong cả công việc lẫn cuộc sống.

 

(Biên tập: Chị phóng viên nhà Doers)

Chia sẻ tại:

Share on facebook
Facebook
Share on linkedin
LinkedIn

Tin mới