Tuần này, hãy cùng Doers tìm hiểu về Nguyên tắc hành động thứ #02 của Hệ giá trị Trách nhiệm: “Cùng về đích”.
CÙNG VỀ ĐÍCH LÀ GÌ?
Hiểu đơn giản, “Cùng về đích” là cùng nỗ lực, hỗ trợ nhau để đạt được mục tiêu chung – tức mục tiêu của tập thể, của phòng ban, công ty/tổ chức mà chúng ta tham gia.
Sở dĩ “cùng về đích” được nêu bật trở thành một nguyên tắc trọng yếu trong hệ giá trị trách nhiệm, bởi Docorp tin rằng, đây chính là yếu tố trọng yếu để một cá nhân thể hiện tinh thần trách nhiệm với công việc, với tổ chức mà mình đang tham gia và làm việc.
TẠI SAO LẠI LÀ “CÙNG VỀ ĐÍCH”?
Thứ nhất là bởi mục tiêu của tổ chức và mục tiêu của cá nhân có mối quan hệ tương quan và gắn kết mạnh mẽ.
Mục tiêu của tập thể hoàn thành chỉ khi mục tiêu công việc của mỗi cá nhân trong tổ chức đạt được, tức mỗi người hoàn thành tốt công việc của chính mình. Mục tiêu, chiến lược dù có hay đến đâu, nhưng nếu mỗi thành viên không thấu hiểu vai trò và không nỗ lực vì mục tiêu chung, những thứ đó sẽ vẫn mãi ở trên giấy thay vì trở thành hiện thực.
Ngược lại, mục tiêu của tổ chức hoàn thành sẽ tạo điều kiện để mục tiêu của cá nhân hoàn thành nhanh hơn, với xác suất thành công cao hơn. Chúng ta thường mong muốn điều gì? Chúng ta muốn có một mức thu thập cao hơn, chúng ta muốn có một môi trường phát triển, được đào tạo, được có nhiều cơ hội để chứng minh năng lực và thăng tiến. Liệu điều đó có thành hiện thực nếu tổ chức, công ty mà chúng ta làm cứ mãi đứng yên hoặc ngày một đi xuống?
Chắc chắn không.
Do đó, cùng về đích không chỉ hướng đến việc đạt được mục tiêu của tập thể, cùng về đích còn là thông qua việc hoàn thiện mục tiêu của tập thể để không ngừng nâng cao năng lực, phát triển bản thân và đạt được những thành tựu khác mà bản thân hằng mong ước.
Và còn điều gì nữa?
Rõ ràng, chúng ta không thể đạt đến được đích chung nếu chỉ có một hoặc vài người cố gắng.
“Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”
Docorp tin rằng, sự đồng lòng, sức mạnh của tập thể, tinh thần đoàn kết luôn tạo ra một gia tốc cộng hưởng đẩy chúng ta tiến về mục tiêu nhanh hơn bất kỳ loại sức mạnh nào.
Một đội bóng không thể giành chiến thắng nếu tiền vệ nỗ lực ghi bàn còn thủ môn thì không quan tâm bảo vệ khung thành. Một phòng bán hàng, marketing không thể tạo nên những thành tựu vượt bậc nếu chỉ có quản lý là người nỗ lực. Chỉ khi “cùng nhau” hướng về một đích chung và không ngừng cùng nhau nỗ lực, chúng ta mới “cùng nhau” đạt được đích đến của cả tập thể và chính mình.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ RÈN LUYỆN NGUYÊN TẮC “CÙNG VỀ ĐÍCH”?
✅ NÊN: Hiểu đích đến chung
Tức là hiểu về sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu/mục đích của nhóm, phòng ban, công ty
Muốn làm được điều gì, trước tiên phải hiểu về nó. Để cùng về đích với tập thể, trước tiên cần biết được tập thể, tổ chức đang có những mục tiêu dài – trung – ngắn hạn nào.
Làm sao bạn thể hiện rằng mình có trách nhiệm với phòng ban trong khi những thứ bạn đang làm đều không mang giá trị gì cho mục tiêu chung? Một khi không hiểu mục tiêu của tập thể, tổ chức, chúng ta dễ sa đà vào việc làm các công việc một cách quán tính, làm cho đủ giờ mà không có sự phân loại, đánh giá ưu tiên đâu là những công việc quan trọng, có giá trị cho tổ chức. .
Do đó, mỗi Doer khi bước vào bất kỳ tổ chức nào, hãy tìm hiểu về sứ mệnh, tầm nhìn và những mục tiêu mà tập thể/tổ chức đó đang theo đuổi. Một số hành vi gợi ý có thể kể đến như:
- Hàng quý, công ty có những buổi chia sẻ sâu về tầm nhìn, sứ mệnh cho những nhân sự mới
- Hàng tháng, tổ chức các buổi chia sẻ về mục tiêu của công ty
- Hàng tuần, hàng ngày, review liên tục về mục tiêu của phòng ban
- …
✅ NÊN: Hiểu và làm tốt việc của mình
Mục tiêu của công ty đạt được khi mục tiêu của mỗi phòng ban đạt được, mục tiêu mỗi phòng ban đạt được khi mục tiêu của mỗi đội nhóm đạt được. Mà mục tiêu của mỗi đội nhóm đạt được khi mỗi cá nhân trong đó hoàn thành tốt công việc của mình.
Do đó, để cùng về đích, điều đơn giản nhất mà mỗi chúng ta có thể làm đó chính là: Làm tốt nhất có thể công việc của chính mình.
Ví như trong một đội bóng, chúng ta có tiền vệ, trung hệ, hậu vệ, thủ môn, còn có cả huấn luyện viên, đội ngũ y bác sĩ,… Chỉ cần mỗi một người đều hiểu chính xác vai trò của mình, làm đúng và làm tốt nhất trong khả năng của mình, tin chắc rằng đó sẽ là một đội bóng khiến nhiều đối thủ phải e ngại. Và chỉ cần một mắt xích đứt gãy, một cá nhân không làm tốt việc của mình, có khả năng sẽ gây ra những trở ngại lớn cho đội bóng của mình.
✅ NÊN: Hỗ trợ đồng nghiệp
Sau khi làm tốt phần việc của mình, điều cần làm chính là hỗ trợ đồng đội.
Để đạt được đích đến chung thì mỗi thành viên cần làm tốt nhất công việc của chính mình. Nhưng không ai dám chắc rằng chúng ta sẽ không bao giờ gặp phải những khó khăn, những tình huống bất khả kháng, ngăn cản ta hoàn thành công việc của mình. Vì vậy, hướng đến mục tiêu chung, sau khi đã làm tốt phần của mình, hãy cố gắng hỗ trợ những người đồng đội của mình.
Docorp cũng tin rằng “Cho đi chính là nhận lại”, một khi bạn giúp đỡ những người đồng đội của mình, đến khi bạn rơi vào những tình huống khó khăn, sẽ có người đồng hành để hỗ trợ bạn về đích.
❌ KHÔNG NÊN:“Đứng ngoài cuộc” trong mục tiêu chung
Tức là không biết, không quan tâm, mặc kệ mục tiêu của đội nhóm, phòng ban, công ty; làm việc theo quán tính, không màng đến kết quả công việc của mình có ảnh hưởng hoặc mang lại giá trị gì cho đội nhóm.
Dần mất đi vai trò, giá trị của mình trong tập thể, và tự đào thải bản thân ra khỏi tổ chức.
❌ KHÔNG NÊN: Phớt lờ đồng đội khi có thể hỗ trợ
—-
Dựa trên nguyên tắc hành động định hướng này, các Doers hãy cùng thiết lập cho mình những hành vi cụ thể, hiện thực hóa bằng hành động để thể hiện tinh thần “Cùng về đích” ở đội nhóm, phòng ban và công ty của mình. Một vài gợi ý cho Doers:
– Hàng ngày, thiết lập Todolist với các ưu tiên quan trọng phục vụ cho mục tiêu chung
– Hàng tuần, review tiến độ công việc của bản thân; cập nhật tình hình mục tiêu đội nhóm của mình
– Sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các công việc trong khả năng của mình
– …
Đồng thời, Doers cần tránh NHẦM LẪN sau đây:
- “Cùng về đích” không có nghĩa là Bao đồng:
– Chưa làm tốt việc của mình, đã lo sang việc của người khác.
– Hỗ trợ người khác trong khi người khác không hề cố gắng, nỗ lực.
- “Cùng về đích” không có nghĩa là Bao che lỗi lầm của nhau
Đừng nhầm lẫn giữa hỗ trợ đồng đội với bao che lỗi lầm của nhau. Bởi lỗi lầm bị “che” đi thì sẽ không bao giờ được giải quyết, nó vẫn sẽ tồn tại và có thể trở thành một thói quen, một trở ngại cho chính sự phát triển của đồng đội và đội nhóm. Cách tốt nhất chính là cùng nhau tìm giải pháp và giải quyết vấn đề.
Khi tham gia vào một công ty, tổ chức nào, Docorp tin rằng khi bạn tự đặt và trả lời được câu hỏi:
- Mục tiêu của team là gì?
- Mình có thể hỗ trợ điều gì để giúp đồng đội có kết quả công việc tốt hơn không?
Lúc đó chính bản thân Doers có thể đặt ra những mục tiêu phù hợp để “cùng về đích” với mục tiêu chung.
>> “Riêng rẻ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng ta là đại dương.” – Docorp khuyến khích toàn thể Doers sẵn sàng đón nhận các cơ hội, chủ động kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau liên tục suốt quá trình phát triển sự nghiệp.
> Cùng nhau phát triển sự nghiệp để mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình & xã hội.